Chị học K45, ra trường khá lâu rồi nhưng vẫn rất hay vào đọc Confession của trường mình để hiểu tâm lý của các bạn sinh viên là nguồn nhân lực kế cận, ở đây mọi người chia sẻ rất thật, không làm màu, thứ khá hiếm trong thế giới mạng bây giờ :D.

Chị xin góp 1 câu chuyện về khởi nghiệp để bạn nào có định hướng hoặc quan tâm đến mảng này thì tìm hiểu nhé. Chị khởi nghiệp mảng dịch vụ chứ không phải công nghệ nên tập trung vào mảng này thôi nha.

Chị mất tận 9 năm để chuẩn bị khởi nghiệp, hi vọng với chia sẻ này các bạn sẽ mất thời gian ít hơn :). Theo chị thì để sẵn sàng làm chủ thì phải chuẩn bị từ năm nhất đại học, cụ thể thế này nha:

✏️✏️ Với sinh viên năm 1-2 
1️⃣ Làm sinh viên trước hết phải có đầy đủ công cụ học tập và làm việc. Laptop, smartphone và phương tiện đi lại. Nên ở những khu vực thuận tiện và sạch sẽ vì không gian sinh hoạt tác động rất lớn đến sức khoẻ và tinh thần của mình. Nếu chưa đủ điều kiện tài chính hoặc không muốn bố mẹ phải vất vả chu cấp tài chính cho mình thì đọc sang phần 2. Nếu đã tạm đủ cũng vẫn nên đọc sang phần 2 để học cách kiếm tiền và tự chủ tài chính.

2️⃣ Tìm kiếm công việc tạo nguồn thu nhập ổn định và chưa tốn quá nhiều thời gian

Làm sinh viên thì dễ nhất và thu nhập cao nhất là làm gia sư. Làm gia sư cũng luyện cho mình rất nhiều kinh nghiệm quý khi khởi nghiệp vì sẽ phải training cho nhân viên rất nhiều.

Tuy nhiên làm gia sư quá lâu sẽ bị nhàm chán và nhiễm tính ổn định cao, là lực cản lớn nhất khi khởi nghiệp. Vì thế làm 1-2 năm là ổn.

3️⃣ Tham gia một số câu lạc bộ/ tổ chức có uy tín. Giờ có rất nhiều tổ chức, hoạt động, phần lớn là theo phong trào, lỏng lẻo, rời rạc. Nên tập trung ứng tuyển vào các tổ chức mà ban lãnh đạo là sinh viên, tức là luôn tập trung phát triển năng lực cho thành viên là sinh viên, đã có hoạt động có tiếng vang, chứng minh được năng lực tổ chức và đào tạo tốt, hoặc chí ít là có người lãnh đạo tốt. Các network này sẽ đi theo bạn đến suốt cuộc đời. Vậy nên hãy chọn bạn mà chơi. Cố gắng phát triển đến các vị trí lãnh đạo trong tổ chức để rèn luyện kỹ năng lãnh đạo.

4️⃣ Tập trung học tốt ở trường. Các kiến thức nền ở trường đại học tuy đôi khi khiến bạn cảm thấy xa rời thực tế, nhưng vẫn sẽ luôn cần thiết trên đường đời. Đặc biệt những bạn học kinh doanh, kinh tế.

5️⃣ Nếu có thể thì đăng ký làm thêm hoặc làm theo giờ ở một số nơi. Đừng ngại việc “chân tay” không “xứng tầm” sinh viên. Khi khởi nghiệp thì đến cọ toilet bạn cũng phải biết làm cho tốt trước khi bàn đến chuyện chiến lược. Nếu có thể đi làm thực tập ở 1 số nơi nhận từ sinh viên năm 1-2 thì cũng nên thử sức.

6️⃣ Luyện tập 1 môn thể thao để duy trì sức khoẻ. Lèo tèo hay ốm vặt thì chẳng làm chủ được đâu. Môn gì bạn thấy yêu thích và rèn luyện tinh thần kiên trì, bền bỉ nhé.

7️⃣ Đọc sách và tham gia nhiều sự kiện về khởi nghiệp, kinh doanh, các sự kiện nghề nghiệp để mở mang tầm mắt. Đừng vội nghĩ mình nhất định phải làm nhà hàng hay khách sạn hay công nghệ như người nọ người kia. Thế giới rộng lớn hơn bạn tưởng tượng nhiều lần. Hãy quan sát trước đã.

8️⃣ Chăm chỉ học và luyện tập tiếng Anh.

✏️✏️ Đến cuối năm 2, đầu năm 3 thì nên dừng việc gja sư lại, vì lúc nãy đã tích luỹ đủ 1 số tiền nhất định để duy trì cuộc sống rồi, và nên tránh cái bẫy “an toàn, ổn định”.

Nên bắt đầu tìm 1 công việc thực tập ở 1 doanh nghiệp uy tín nào đó, hãy xem kỹ doanh nghiệp và người sếp ở đó có xứng đáng để mình theo học không. Chọn bạn mà chơi thì chọn thầy càng phải kỹ. Facebook và Linkedin là 2 kênh hiệu quả nhất để tìm hiểu.

Lúc này đừng lấy tiền lương ra làm tiêu chí tìm việc. Luôn nhớ mình chỉ được trả lương cao cho việc mình làm tốt. Mà sinh viên năm 2-3 chưa có kinh nghiệm hoặc chuyên môn làm việc nhất định thì chỉ có gia sư hay việc chân tay là làm tốt nhất thôi. Hãy chọn nơi mình có thể học nhiều nhất, tốt nhất.

Vẫn tiếp tục học hành tử tế ở trường và tham gia tích cực vào các hoạt động nhé. Cố gắng giành các vị trí ban lãnh đạo, ban tổ chức để cọ xát nhiều. Nên đầu tư tham gia một số khoá kỹ năng mềm và kỹ năng nghề nghiệp như Quản trị, marketing, tài chính…phù hợp với sinh viên.

Chăm chỉ học và luyện tập tiếng Anh.

✏️✏️ Đến cuối năm 3 là phải thành thạo tiếng Anh, sử dụng linh hoạt các kỹ năng quản trị bản thân như quản trị cảm xúc, quản lý thời gian, giải quyết vấn đề và ra quyết định và các kỹ năng tương tác như giao tiếp, lãnh đạo rồi nha. Trải nghiệm 2-3 công việc khác nhau ở một số lĩnh vực khác nhau.

✏️✏️ Sang năm 4 là năm quyết định thành quả của cả thời sinh viên. Đóng gói việc học hành cho tốt, ít nhất phải đạt bằng khá và có một số quan hệ tốt ở trường. Để chuẩn bị cho giai đoạn sau. Tập trung tìm kiếm 1 công việc thực tập hoặc bán thời gian thực sự tốt để sẵn sàng lăn xả vào thực tế. Khởi nghiệp không có chỗ cho những kẻ mơ mộng, nửa vời. Hãy chọn 1 công việc mình có thể làm tốt nhất, không nhất thiết phải là sales hay marketing. Nhân sự hay tài chính, kế toán, vận hành đều tốt và đều cần thiết trong doanh nghiệp của mình sau này. Rồi tập trung làm cho thật tốt. KHÔNG đứng núi này trông núi nọ. KHÔNG mất thời gian suốt ngày tự hỏi mình phù hợp với cái gì nhất. Chỉ có hành động quyết liệt mới thực sự biết mình làm gì tốt nhất. Nếu mình không phù hợp thì tự công việc sẽ đào thải mình, nên chừng nào còn thấy mình làm được thêm thì cố làm tiếp, chừng nào thấy tới hạn thì hãy dừng lại.

Trước khi kết thúc thời sinh viên nhớ làm 1 chuyến du lịch xuyên Việt hoặc xuyên Đông Nam Á hoặc xuyên lục địa hoặc vòng quanh thế giới nếu có thể nha. Để ghi 1 dấu ấn và sẵn sàng cho một thời kỳ mới ?

Xong rồi ra trường đi làm khoảng 2 năm để trải nghiệm môi trường doanh nghiệp vận hành như thế nào, sẽ tiết kiệm nhiều thời gian thử-sai cho các em. Vì khoảng cách từ giáo trình kinh doanh, vốn thường được dịch từ sách nước ngoài, sang thực tiễn kinh doanh ở Việt Nam khá là xa, nên cần có bước đệm để tập nhảy đà trước, tránh ngã sấp mặt thì hơi mất công đứng dậy :).

Chúc các em thành công nha!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *